Để có thêm nhiều bức ảnh "để đời"

Dù có sự tiếp nối thế hệ người cầm máy ảnh chuyên nghiệp ngày càng đông đảo nhưng nhiếp ảnh Việt Nam còn ít ỏi những bức ảnh "để đời" về thời hòa bình và đổi mới đất nước. Lý do thì có nhiều, song có thể thấy, yếu tố quyết định vẫn là con người.

Một bức ảnh được chọn in trong cuốn sách Họ đã sống như thế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022. Một bức ảnh được chọn in trong cuốn sách Họ đã sống như thế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022.

Phá lối mòn

Nhiếp ảnh Việt Nam ngày nay đang sở hữu rất nhiều tác phẩm và các tác giả có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao nhưng lại rất hiếm người được chọn trao giải thưởng danh giá: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Qua sáu lần xét tặng, chỉ riêng năm 2022 (lần thứ sáu), lĩnh vực này mới có hai tác giả chụp ảnh thời bình được trao Giải thưởng Nhà nước, họ là Nguyễn Á và Lâm Hoàng Thanh Liêm; chưa có tác giả nào được vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trước đó, 100% số tác giả được vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đều là các nhà nhiếp ảnh chụp ảnh thời chiến.

Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung của nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay, nhiều người không khỏi lo lắng về chất lượng đỉnh cao của nghệ thuật nhiếp ảnh phản ánh hiện thực đời sống đất nước. Việc ngại dấn thân vào con đường mới có sự kết hợp của ý tưởng và công nghệ mới cũng là điểm yếu của nhiếp ảnh Việt Nam bấy lâu nay, dẫn đến sức ỳ trong đội ngũ sáng tác. Ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, lưu ý, không nhất thiết phải là ảnh hiện thực mới phản ánh được không khí của thời đại. Những thể loại ảnh mới (ảnh kỹ xảo) vẫn có thể truyền đi thông điệp của thời đại, về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước một thời kỳ đầy sinh động và hấp dẫn chẳng kém gì ảnh chụp thật. "Tất cả nằm ở tầm tư duy của nghệ sĩ. Tư duy như thế nào, sẽ chụp được những bức ảnh như thế. Nhưng tiếc là, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam vẫn đang ngại đi vào con đường mới, chưa dám thể nghiệm các thể loại ảnh mới để nói về những đề tài tưởng đã quen thuộc"- ông Thành bày tỏ.

Tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng

Theo bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, trong những năm vừa qua, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các tổ chức văn hóa văn nghệ khác đã trao nhiều giải thưởng tầm quốc gia, 1-2 năm/lần, bên cạnh đó là không ít giải thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm các sự kiện lớn của các bộ, ban, ngành, địa phương… Mặc dầu vậy, hầu như các tác phẩm sau khi được trao giải là bị chìm luôn vào quên lãng. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất "vẫn là yếu tố con người" - bà Đông nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của người đứng đầu hội nghề nghiệp của giới nhiếp ảnh cả nước, bà Đông cho rằng, việc cần làm ngay là xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng để văn nghệ sĩ phát huy tối đa năng lực sáng tác; song song với đề cao ý thức về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Riêng về đào tạo chuyên môn nhiếp ảnh, trước thời kỳ Đổi mới, việc đưa những tay máy tài năng đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài là khá phổ biến. Còn thời gian gần đây, rất hiếm hoi mới có người được đi bồi dưỡng ở nước ngoài theo diện được Nhà nước tài trợ. Thêm nữa, cả nước chỉ duy nhất Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội là có đào tạo ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật (tại Khoa Nhiếp ảnh). Có thể nói, phần lớn các tay máy trẻ hiện nay ít được đào tạo về chuyên môn một cách bài bản, chủ yếu là do cá nhân yêu thích, tự tìm tòi hay học hỏi, truyền nghề lẫn nhau, mang tinh thần "chơi ảnh" hơn là dấn thân cùng sự kiên định một lý tưởng nghề nghiệp. Thực trạng ấy dẫn đến phong trào nhiếp ảnh trong nước lên cao, phát triển mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng mới phát triển bề rộng mà chưa có chiều sâu.

Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân cho rằng, thật khó có câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để có tác phẩm nhiếp ảnh hay. Bởi không ai biết rằng, ngày mai, tác phẩm của mình có được giải thưởng không, hoặc mấy chục năm sau còn ai nhắc tới tác phẩm ấy không. Nhưng điều không thể phủ nhận, một tác phẩm nhiếp ảnh hay phải là một tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và đáp ứng được nhu cầu thời sự đồng thời chứa đựng ý nghĩa lịch sử. Đó cũng là những tác phẩm đáng được lưu giữ bảo tồn vì nó có hương vị của thời gian, không gian, và tâm huyết sáng tạo của cá nhân người làm ra tác phẩm.

Link nội dung: https://canhodecapella.edu.vn/buc-anh